Sửi ấm tâm hồn tại Mão A Chai – nơi Masala chai gặp trà Thái Nguyên

Sưởi ấm tâm hồn tại Mão A Chai – nơi Masala chai gặp trà Thái Nguyên, một trải nghiệm tuyệt vời không thể bỏ lỡ cho những ai yêu thích hương vị thơm ngon và đậm đà. Tại đây, bạn sẽ được thưởng thức những ly trà được pha chế tinh tế, mang đến cảm giác ấm áp và dễ chịu giữa không gian thân thiện và gần gũi.
Tôi từng là du học sinh sống ở bang Minnesota – nơi mùa đông đến sớm và cứ như chẳng muốn rời đi. Trong những tháng ngày tuyết phủ trắng xóa và không khí im ắng đến lạ, tôi gần như sống nhờ vào cà phê – người bạn đồng hành quen thuộc qua những buổi học sáng sớm và đêm ôn thi dài đằng đẵng. Mọi thứ chỉ bắt đầu thay đổi vào một ngày nọ, khi mẹ nuôi tôi pha cho cả nhà một ấm masala chai.
Ngụm đầu tiên của ly masala chai như một khám phá mới: ấm nồng, thơm vị gia vị, thoảng chút mùi đất, và hơn hết là mang lại cảm giác dễ chịu lạ thường. Rồi nó nhanh chóng trở thành thói quen: cứ mỗi lần hệ thống sưởi trong nhà hỏng hoặc tuyết rơi dày quá mức, mẹ lại pha một ấm chai nóng cho cả nhà. Với tôi, chai không chỉ đơn thuần là một món uống, đó là cảm giác được trở về nhà, ngay cả khi đang ở rất xa nhà.
Tọa lạc trên tầng bốn của một chung cư cũ giữa Quận 1, Mão A Chai có góc nhìn khá đẹp ra trung tâm Sài Gòn.
Nhiều năm sau, khi đã quay về Việt Nam, tôi bắt đầu hành trình tìm lại hương vị năm xưa. Nhưng hết ly này đến ly khác đều khiến tôi thất vọng: quá ngọt, quá “vội vàng,” quá xa cái vị chai từng làm ấm đôi tay tôi trong căn bếp ở miền Trung Tây nước Mỹ. Tôi gần như bỏ cuộc, cho đến khi một người bạn đại học nhắc đến một tiệm trà nhỏ nằm kín đáo trên tầng bốn của một chung cư cũ giữa lòng Sài Gòn: Mão A Chai.
Không gian quán mang đậm sắc trầm và chất liệu mộc mạc.
Ngay khi bước qua cánh cửa gỗ, tôi đã cảm thấy có điều gì đó rất khác. Mùi hương của các loại gia vị phả vào: quế, đinh hương, thảo quả… rồi đến sự tĩnh lặng dịu dàng của căn phòng ngập tràn chất liệu tự nhiên: đèn tre, ghế gỗ, ly đất nung. Không biển hiệu đèn LED, không đám đông check-in, chỉ có sự yên ả.


Nhiều món đồ trong quán được mang về từ những chuyến đi xa của hai người chủ.
Tôi gọi một ly chai quế, và chỉ sau một ngụm, mọi thứ như quay trở lại căn bếp mùa đông năm nào. Vị chai đúng như tôi nhớ: ấm, dịu, và vừa vặn đến lạ.
Hiếu, một trong hai nhà sáng lập của Mão A Chai. Ảnh: Tô Thụy Hoàng Mai.
Lần quay lại sau đó, tôi gặp Hiếu – một trong hai người sáng lập Mão A Chai. Anh từng theo học và làm việc trong ngành công nghệ thông tin, nhưng rốt cuộc nhận ra môi trường công sở không dành cho mình. “Anh cảm thấy mình không hợp với cuộc sống văn phòng, vốn là đặc thù của ngành công nghệ thông tin,” anh kể. “Nhưng đã dấn thân thì anh lại sợ cái đích đến, anh cảm thấy run.”
Hồi còn học đại học, Hiếu từng làm thêm cho một công ty chuyên về thiết kế và từ đó nhen nhóm niềm yêu thích với công việc sáng tạo. Niềm yêu thích ấy đã dẫn anh đến một cuộc gặp gỡ quan trọng: Hà – người đồng sáng lập quán, cũng là bạn đời của anh sau này. Quán không chỉ là dự án kinh doanh, mà còn là nơi lưu giữ những trải nghiệm và kỉ niệm của cả hai.
Hà từng sống và làm việc ở hơn 50 quốc gia, trong đó có Ấn Độ. Nhưng không phải kiểu đi du lịch hay “phượt” qua loa. Chị ở lại, sống như người địa phương, học nấu chai từ bạn bè, hàng xóm, và cả người giúp việc gốc Ấn. Và điều đó hiện lên rất rõ trong không gian quán.


Khách ghé quán sẽ phải “chia sân” với hai cư dân bốn chân đáng yêu của Mão A Chai.
“Bọn anh chỉ bán những gì mình thật sự hiểu,” Hiếu nói. Ngoài trà chai Ấn, quán còn phục vụ cả trà xanh Việt – chủ yếu là trà Thái Nguyên, thứ trà đậm vị quê nhà, quen thuộc với người miền Bắc.


Tinh thần đó không chỉ nằm trong thực đơn. Mỗi món đồ trong quán đều được lựa chọn kỹ càng: đèn tre từ làng nghề ngoài Bắc, bàn ghế cũ nhặt lại từ nhà dân ở Tây Nguyên, rồi một chú chim gốm nhỏ tên Thật Thà đậu lặng bên cửa sổ.
“Vật liệu không có sẵn, phải đi nhiều nơi để tìm,” Hiếu giải thích. “Bọn anh phải gom góp từng món qua những chuyến đi, biết nên tìm cái gì, ở đâu. Giống như khi nấu một ấm trà ngon thì phải biết tìm đúng loại lá vậy.”
Chú chim gốm Thật Thà nằm yên đúng chỗ của mình.
Và đúng là như vậy. Không gian ở đây không mang cảm giác được bày biện hay dàn dựng, mà giống như một ngôi nhà được vun đắp dần theo thời gian. Không bảng hiệu phô trương, không mật khẩu Wi-Fi dán trên tường, không lời mời gọi khách chụp ảnh hay check-in. Chỉ có sự tĩnh lặng và ấm áp.
Ngồi nhìn bạn barista pha trà, tôi mới thấy từng ly được chăm chút đến thế nào. Đầu tiên là rang nhẹ gia vị cho thơm, rồi mới đến trà đen – được nấu lửa nhỏ để dịu vị chát. Sữa thực vật được thêm vào, không phải vì theo xu hướng mà vì tốt cho sức khỏe. Một chút đường cuối cùng để cân bằng hương vị. Mọi bước đều từ tốn, đều có nhịp điệu riêng.
Pha một ấm masala chai không phải chuyện vội vàng. Mọi công đoạn đều cần sự chăm chút và kiên nhẫn nhất định.
Hiếu cười: “Thường thì hai món. Nếu muốn thử hương vị truyền thống, trà Thái Nguyên là lựa chọn gần như không thể thiếu – di sản văn hóa của mình mà. Còn nếu thích gì đó mới mẻ hơn, hợp với khẩu vị nhẹ nhàng của giới trẻ, thì có thể thử trà chai kiểu Ấn. Vừa pha, thơm nhẹ mùi gia vị, dễ uống lắm.”
Masala chai dùng cùng bánh quy.
Tôi vẫn quay lại Mão mỗi khi thấy mình cần một khoảng lặng – không chỉ để nghỉ ngơi khỏi công việc, mà để gỡ bỏ tiếng ồn, áp lực deadline, và cảm giác lúc nào cũng phải bận rộn. Tôi ngồi bên cửa sổ, nhấp một ngụm chai, và thở.
Ai rồi cũng cần một nơi chốn thứ ba: không phải nhà, cũng chẳng phải chỗ làm, mà là một không gian ở giữa. Một nơi để quay về mà chẳng cần lý do. Với tôi, Mão A Chai là nơi ấy. Biết đâu, nếu bạn mở lòng, nơi này cũng có thể trở thành chốn ấy cho bạn.
Mão A Chai mở cửa từ 7h30 sáng đến 9h30 tối.
Sửi ấm tâm hồn tại Mão A Chai – nơi Masala chai gặp trà Thái Nguyên.
🍵 Xem thêm: Tận dụng các loại trái cây mùa hè này để sở hữu vòng eo thon gọn nhé!
Phản hồi