Tô bún riêu bình dân đậm vị ‘miền Tây’ thân tình

Tô bún riêu bình dân đậm vị ‘miền Tây’ thân tình

Hồi còn nhỏ, nhiều đêm giật mình thức dậy, không thấy má nằm kế bên, tôi thường hay khóc òa lên vì nhớ má và cần má. Thậm chí, có một đêm tôi bò xuống gầm giường, quậy cho bằng được, bắt má phải xuất hiện ngay lập tức. Lúc đó ba và anh hai chỉ nói, má đi bán bún riêu rồi, lát má về nhà. Với trí óc một đứa nhỏ 4–5 tuổi, nó không quan tâm và cũng không cần quan tâm chuyện má bán bún gì, ở đâu, chỉ cần biết má nó về. Thời điểm đó, tôi cũng chưa từng ăn bún riêu lần nào, ít nhất là trong ký ức mà tôi hồi tưởng lại.

Trong bao nhiêu thứ bún ngon lành mà má đã ép tôi ăn suốt mười bảy năm ở nhà, tôi luôn khước từ món bún riêu. Cái màu cam nhạt đơn điệu của nước súp và cái giò heo hiện ra to tướng trong tô, thứ mà tôi không tài nào ăn nổi, luôn luôn đẩy phăng tôi ra khỏi mọi cơn thèm ăn.

Vậy mà tới lúc rời quê lên Sài Gòn học đại học, quanh quẩn những con đường nhỏ tìm một quán ăn lót lòng cho sinh viên, tôi mới để ý và tấp vô cái xe bán bún riêu tên Thắm trên đường Nguyễn Thị Thập, cái xe bún riêu gợi nhắc cho tôi về miền Tây, về xóm nhỏ mà mình sinh ra và lớn lên, về hương vị quê nhà mà bây giờ tôi phải chật vật tìm kiếm.1b

Thường ngày, vào giấc chạng vạng, khoảng 5h chiều đến 7h tối, xe bún riêu sẽ nấp trong một con hẻm, nép vào một bên để chừa đường xe chạy. Khách sẽ ngồi sát vào tường nhà, húp xì xụp phần ăn. Từ 7h–8h tối cho đến nửa đêm, khi một cửa tiệm buôn bán vật dụng nhà bếp đóng cửa, để lại phần sân rộng rãi, xe bún riêu được đẩy ra với những chiếc bàn dài, trưng bày một cách đường hoàng, hiên ngang, như để chiếm lĩnh một vùng không gian đầy tính mời gọi cho những ai đói bụng.

20b
19b

Tôi ghé tìm xe bún riêu sau khoảng 1, 2 tháng không ăn món này. Lúc ấy là khoảng hơn 7h tối, cửa hiệu vẫn còn mở nên bún riêu Thắm chưa kịp ra “sân khấu.” Tuy vậy, bún riêu Thắm không còn nép trong con hẻm như xưa, mà nay đã có một mặt bằng riêng, một mặt bằng rất khiêm tốn và nho nhỏ cũng trên đường Nguyễn Thị Thập, chỉ cách cửa tiệm kia khoảng vài chục mét, để dành mở bán trước khi “sân khấu chính” lên đèn. Chúng tôi ngồi dùng món tại mặt bằng này.

Phần ăn tôi gọi là một tô bún riêu đầy đủ, không giò heo; đương nhiên, khách nào thích giò heo vẫn có thể gọi bình thường. Bất kỳ thực khách nào gọi bún ở đây cũng sẽ thấy một sự hài hòa và dịu nhẹ về màu sắc món ăn. Sợi bún trắng ẩn hiện dưới phần topping to bự gần như lấn át mặt nước súp.

6b
13b

Xung quanh đó, những miếng thịt luộc, chả gân, chả riêu cua, tàu hũ được trình bày đẹp mắt, thấm một cam đỏ au từ màu nước súp đặc trưng. Màu xanh của rau muống bào trên cùng nổi lên như một nét điểm xuyết của món ăn. Và sau cùng, không thể thiếu một miếng riêu cua lớn bên góc tô, phần mà rất nhiều người chờ đợi. Thực khách nếu thích có thể pha thêm mắm ruốc với đường và tắc để chấm với thịt và chả.

Dường như người miền Tây nêm nếm rất phóng tay và dùng nhiều gia vị trong chuyện nấu nướng thường ngày. Điều đó tạo nên một tổ hợp vị phức tạp và hài hòa, một nét đặc trưng trong các món ăn miền Tây, trải dài từ các món kho, chiên đến các món súp, canh. Tô bún riêu chị Thắm cũng chịu ảnh hưởng của dấu ấn nêm nếm đó, tạo nên những hương vị đặc trưng so với bún riêu miền Bắc.

16b
3b

Ăn một tô bún riêu ở đây, bạn có thể cảm nhận chất ngọt trong nước súp, một vị ngọt đậm đà dễ chịu do hầm xương mà có. Bạn cũng sẽ tận hưởng sự mềm mại của bún trong khối hài hòa với thịt luộc còn tươi, chả cua giòn và tròn vị, cùng những miếng tàu hũ mềm mại thấm nước súp. Đặc biệt hơn hết, nếu thử cắn một miếng riêu cua, bạn có thể sẽ thấy bất ngờ vì độ béo và ngọt được tạo nên từ thịt cua đồng và trứng, được hòa quyện khéo léo thành một khối mềm mại. Ăn một tô bún riêu miền Tây, người ta chủ yếu cảm nhận được vị ngọt, vị mặn, và có thể thêm một chút chua cho nảy khẩu vị nếu ai đó thích nặn tắc vào nước súp.

Cũng vì sự đồng điệu trong khẩu vị và nêm nếm của tô bún riêu chị Thắm với những món ăn miền Tây, nên dù mười bảy năm ở nhà chưa từng một lần đụng đũa, tôi vẫn cảm nhận được một sự thân quen khó tả khi ăn bún riêu lần đầu tiên trong đời tại Sài Gòn. Cảm giác ấy từa tựa như cảm giác ngồi trên một chuyến xe buýt ở một đất nước khác, chạy về một góc nào đó xa lắc xa lơ của xứ đó, và bạn tình cờ nghe được giọng của một người Việt ngồi trên xe với âm sắc của chính quê bạn. Cảm giác thân quen ấy làm tôi ứa nước mắt.21b

Tấp vô vỉa hè và ăn một tô bún riêu mang hương vị miền Tây trên một trong những con đường đông đúc nhất quận 7 – một nơi chốn vừa xa lạ vừa thân thuộc của tôi sau 5 năm học tập và làm việc – không chỉ là điều duy nhất làm tôi nhớ nhà. Tôi thấy đâu đó hình bóng quê nhà trong âm sắc giọng nói của những người chạy bàn, trong cách họ gọi món, cách họ ăn nói xởi lởi với khách hàng, cách nhân viên trêu ghẹo nhau những khi rảnh tay, đến cả những cái bàn thiếc, cái ghế nhựa họ bày trên đường, và những ca nhựa đựng nước trà. Tôi thấy cái xóm nhỏ của mình hiện ra quanh đây. Tôi thấy dáng má bưng tô bún từ ngoài chợ về cho ba trong dáng người phụ quán đang bưng tô bún riêu ra bàn cho khách.10b

Tô bún riêu miền Tây được nấu bằng bao nhiêu chăm chút và tỉ mẩn để cho ra hương vị đậm đà và đầy đặn, với tôi, không chỉ là một món ăn thuần túy. Nó là chiếc vỏ ốc cho tâm hồn tôi lẩn trốn những ngày mong manh, là cầu nối nhắc nhớ tôi về một nơi chốn cách nơi tôi đang ngồi gần ba trăm cây số, về những phần ký ức đã và đang dìu dắt mình đi tiếp trên đường đời phía trước.

Bún riêu canh bún Thắm mở cửa từ 5h chiều đến 12h đêm.


Source link

 

Related Articles

Phản hồi

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *